Một Là Quá Đủ
Có khi nào bạn đã từng hỏi bản thân rằng trong quá trình đầu tư chứng khoán, để thành công và để đổi đời từ chứng khoán, thì bao nhiêu cổ phiếu cần phải qua tay bạn chưa?
Đối với nhiều người, con số đó có thể là hàng trăm cổ phiếu.
Còn đối với tôi, con số đó chỉ là một.
Tôi tin rằng bạn chỉ cần một khoản đầu tư tuyệt vời là cũng đủ để thay đổi cả cuộc đời và sự nghiệp của bạn.
Nếu bạn không tin, hãy để tôi kể cho bạn nghe một hai câu chuyện thú vị sau.
Stewart Horejsi
Vào năm 1980, Stewart Horejsi phân vân rằng công việc kinh doanh của mình còn có thể đi tiếp. Công ty gia đình của ông, Brown Welding Supply LLC làm về mảng hàn xì, đã hoạt động được 50 năm, và đang dần mất thị phần vào tay đối thủ.
Trong thời gian đó, Horejsi đã nghe nói về Berkshire Hathaway trong quyển “The Money Masters” của John Train. Ông rất thất vọng với triển vọng tăng trưởng cho doanh nghiệp của mình, vì vậy ông đã lấy một ít tiền mặt và mua 40 cổ phiếu của Berkshire Hathaway với giá 265 USD. Hai tuần sau, ông mua tiếp 60 cổ phiếu với giá 295 USD. Một tháng sau, ông tiếp tục mua thêm 200 cổ phiếu với giá 330 USD/cổ phiếu.
Ông đến các cuộc họp thường niên khi mà chưa đầy chục người tham dự. Tại thời điểm đó, ông còn mời bạn bè của mình đi cùng vì ông ấy lo lắng rằng công ty sẽ không tổ chức đại hội thường niên nữa nếu số lượng người tham dự quá ít.
Trong một bài phỏng vấn, ông từng trả lời như sau:
Tôi tiếp tục điều hành công việc kinh doanh của [gia đình], nhưng tôi cũng tiếp tục mua Berkshire. Tuy nhiên, tôi thực sự không thể tin rằng tôi đã đặt quá nhiều tiền vào một cổ phiếu như vậy.
Việc mua và nắm giữ cổ phiếu của Berkshire đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Dần dần, khi công việc kinh doanh của gia đình ông bắt đầu vượt qua sóng gió, Stewart Horejsi đã lấy lợi nhuận của công ty để mua thêm cổ phiếu của Berkshire Hathaway. Có thời điểm, ông sở hữu tới 5.800 cổ phiếu của công ty.
Mỗi cổ phiếu của Berkshire Hathaway ông mua với giá thấp hơn 500 USD/cổ phiếu thì hiện nay đang có giá 416,930 USD/cổ phiếu. Tổng tài sản của gia đình ông là 2.5 tỷ USD, đứng thứ 1,362 trong danh sách của Forbes.
Bill Miller
Năm 1999, nhà quản lý quỹ huyền thoại Bill Miller tình cờ gặp một số giám đốc điều hành của Amazon tại Viện Santa Fe. Viện Santa Fe là một tổ chức tư vấn (think tank), và Miller là một thành viên trong hội đồng quản trị. Ông ấy đã nói chuyện với các giám đốc điều hành của Amazon trong nhiều giờ. Sau khi rời cuộc họp, ông ấy nói, "[Amazon] có quy mô kinh tế đáng kinh ngạc, điều này cuối cùng sẽ trở nên rõ ràng."
Ông bắt đầu mua Amazon vào tháng 9 năm 1999 khi giá 80 USD / cổ phiếu. Sau đó, sau khi bong bóng dot-com sụp đổ, cổ phiếu đã giảm mạnh nhưng không bán. Thậm chí, ông ấy còn mua nhiều hơn với giá 20 USD, 10 USD và 7 USD. Đó là 15% quỹ của ông ấy và ai lúc đó cũng nói ông ấy đã mất trí.
Đầu năm 2002, ông đã đưa ra một dự đoán táo bạo về Amazon. “Nếu chúng tôi đúng,” Miller tuyên bố, “chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ kiếm được gấp 50 lần số tiền của mình trong vòng mười năm”.
Không ai lắng nghe ông lúc đó cả.
Chúng ta đều biết điều xảy ra tiếp theo. Cổ phiếu của Amazon hiện tại là 3,675 USD/cổ phiếu và Miller vẫn nắm giữ phần lớn cổ phiếu Amazon mà ông đã mua vào năm 2001.
Sẽ còn có rất nhiều câu chuyện tương tự như hai câu chuyện trên.
Chẳng hạn như tỷ phú liều ăn nhiều Masayoshi Son từng đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba vào năm 1999. Và hiện tại, khoản đầu tư này có trị giá là 35 tỷ USD sau khi ông hạ tỷ trọng nắm giữ của mình tại Alibaba. Giá trị của khoản đầu tư này đã cứu Son ra khỏi rất nhiều khoản đầu tư thất bại khi ông xuống tiền vào thời kỳ bong bóng công nghệ 1999 - 2000.
Tôi đưa ra những ví dụ trên không phải là để khuyên bạn nên tất tay vào một cổ phiếu và hy vọng đổi đời.
Tôi tin chắc rằng, đối với mỗi câu chuyện như Stewart Horejsi, sẽ có hàng ngàn câu chuyện khác về việc mọi người mất gần hết tiền của mình khi họ all-in vào một công ty.
Và đương nhiên đối với mỗi câu chuyện như của Bill Miller, thì sẽ có hàng ngàn câu chuyện khác về các nhà đầu tư liên tục bắt dao rơi vào những công ty phi lợi nhuận và mất gần như tất cả.
Tuy nhiên, điều thú vị là bạn chỉ cần có một cổ phiếu tuyệt vời như vậy trong danh mục với vị thế vừa phải cho đến đủ lớn là cũng đủ để bù đắp cho những sai lầm trong đầu tư của bạn.
Bức hình dưới đây thể hiện sự biến động giá của một vài cổ phiếu có tỷ suất sinh lời tốt nhất trong 10 năm tại Việt Nam.
Như bạn có thể thấy, nếu bạn chỉ mua và nắm giữ một trong những cổ phiếu này trong 10 năm trước thì không những bạn kiếm được rất nhiều tiền mà còn tránh được những sai lầm không đáng có khi bạn giao dịch quá nhiều.
Bạn sẽ không cần phải dùng đòn bẩy.
Bạn sẽ không cần phải lắng nghe theo bất cứ ai.
Bạn sẽ không cần phải giao dịch nhiều.
Bạn sẽ không cần phải tất tay vào một cổ phiếu để tạo ra alpha.
Bạn chỉ cần một rổ cổ phiếu gồm 6 đến 10 vị thế để đa dạng hoá danh mục vừa đủ và cho bạn cơ hội được tóm lấy the big winner .
Tất cả những gì còn lại bạn cần để thành công chỉ là một cổ phiếu tuyệt vời!